VĂN HÓA - XÃ HỘI

Đình làng và Lễ hội Xuân Dục 10 tháng 3
Ngày đăng 04/05/2024 | 09:14  | Lượt truy cập: 100

Đình Xuân Dục được khởi dựng vào thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, di tích đang bảo tồn nhiều hoạ tiết kiến trúc, khắc đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê Mạc; lưu trữ nhiều di sản quý: Hai cuốn Thần Phả, 34 đạo sắc phong của các vương triều Đại Việt, Những hoành phi câu đối trong đó có bức hoành “Mỹ tục khả phong” do vua Tự Đức ban phong năm 1872. Đình đã được cấp quốc gia xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1994.

Đình làng Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Theo Thần phả, Xuân Dục xưa thuộc Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc. Ở buổi “Cắm xào dựng đất” danh hương là Khu Xuân Ổ, trang Lỗ Thường. Đình Làng thờ hai tôn thần: Thần Nam phổ- Vị thần tối cổ trong thần Điện của người Việt và thần Lý Tam Lang, danh tướng thuộc Vương triều Lý.

Vào năm 40 sau Công nguyên, vì “nợ nước thù nhà” Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Trên đường tiến về thành Luy Lâu, Hai Bà cho nghĩa quân hạ trại cạnh miếu thờ thần Nam Phổ thuộc khu Xuân Ổ. Cuối canh Ba đêm ấy, đêm ngày 10 tháng 3, Bà có mơ thần diệu: Một người hình dung cổ quái, tự xưng là con Lạc Long Quân, Thuỷ thần Nam Phổ và nói” “Nay thấy ngươi xuất quân dẹp giặc, ta muốn cùng trừ bạo giúp dân”. Trước khi xuất quân, hai Bà đến miếu tế lễ, cầu nguyện. Trận ấy, nghĩa quân đại thắng, thu lại 65 thành trì, giành độc lập cho đất nước. Sau khi lên ngôi, hai Bà phong thuỷ thần Nam Phổ là “Tuyên Linh Đại Vương” giao cho dân khu Xuân Ổ phụng thờ.

Vẫn theo Thần phả, tại Cổ Pháp (Bắc Ninh) có thiền sư Vạn Hạnh, là người tam giáo và được vua Lê Đại Hành trọng dụng. Thiền sư Vạn Hạnh vốn am tường thời cuộc và vận nước mưu lược giúp vua Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Sau khi đăng quang, Lý Công Uẩn phong Lý Tam Lang là Chỉ huy Phó sứ- người em thứ ba của nhà vua với thiên tư bẩm dị, tướng mạo phi thường, từ thuở niên thiếu đã có học vấn uyên thâm, tinh thông võ nghệ. Từ đó, Lý Tam Lang luôn sát cánh cùng vương huynh xây dựng đất nước ngày một cường thịnh. Khi vua Lý Thái Tổ băng hà, hoàng tử Phật Mã lên kế vị. Các em của Phật Mã gây ra “Loạn tam vương”, liên kết với giặc Chiêm Thành dụng tâm thoán nghịch. Lúc này, Lý Tam Lang đang ở khu Xuân Ổ, nhà vua mời Người về triều. Tại kinh đô Thăng Long, Lý Tam Lang tâu: “Muốn trừ giặc ngoài điều trước tiên phải dẹp giặc trong nhà”. Cho lời tâu ấy phải lẽ, nhà vua xuống chiếu chuẩn nhiệm. Các danh tướng Lê Phụng Hiểu, Lý Tam Lang đã phụng chỉ dụng binh, dẹp “loạn tam vương” tốc phạt giặc Chiêm Thành, bình phương Nam, đất nước thái bình. Sau đó, xin vua trở về Xuân Ổ dạy học.

Đến thời Lê Sơ (thế kỷ 15), vì có công lớn nên Lý Tam Lang được vua Lê Thái Tổ phong làm Thượng đẳng Phúc thần. Do được tôn làm Thành hoàng làng, nên thần Nam Phổ và thần Lý Tam Lang được nhân dân Xuân Ổ thành kính thờ phụng và lưu truyền.

Đến đầu thế kỷ 17, tín ngưỡng thờ thần và kiến trúc đình làng ở nước ta phát triển rất mạnh, đình Xuân Ổ được ra đời sớm. Vẫn tích đó, thần phả ghi lại dân làng Xuân Ổ lấy ngày 10/3 Âm lịch làm ngày lễ hội.

Đình Xuân Dục được xây dựng trên một khu đất cao, rộng giữa làng chừng (100 x 150)m. Đình hướng chính Nam, phía trước có hồ rộng. Trước sân đình là một ao nhỏ hình bán nguyệt, tường hoa bằng con tiện sành cổ. Hai bên sân đình xây hai dãy nhà tả hữu mạc. Một cổng tam quan to cao duy nhất vào đình. Trải qua nhiều năm tháng, hai bộ phận kiến trúc tuyệt đẹp và quan trọng này đã bị hư hỏng cùng với tiền tế của đại đình.Đình chính nằm ở vị trí trung tâm khu đất, kết cấu kiểu chữ công, gồm tòa đại đình, nhà cầu và hậu cung. Nền nhà đại đình được tôn cao 65cm so với mặt sân, xung quanh nền xây bậc bằng những hộp đá lớn màu xanh xám, trắng. Đại đình chia thành 5 gian, 2 dĩ, gian giữa để lòng thuyền thuận lợi cho việc tế lễ, các gian bên tôn nền cao hơn để thuận tiện cho việc hội họp mỗi khi có việc làng. Sau những biến cố, thăng trầm của lịch sử và những lần trùng tu, đình Xuân Dục vẫn mang những nét đẹp hoài cổ và điển hình của một ngôi đình Bắc Bộ.

Hằng năm, dân làng Xuân Dục tổ chức lễ hội đình làng rất lớn vào ngày 10/3 âm lịch. Ngoài sự góp mặt của làng kết chạ là Tam Tảo (Bắc Ninh), hội làng Xuân Dục còn lôi cuốn đông đảo nhân dân trong vùng và khắp nơi cùng về tham dự. Trong những ngày hội, ngoài các trò chơi thượng võ và văn hóa dân gian, dân làng còn tổ chức đám rước long trọng, để đưa hai vị thần về đình dự lễ.

Mãn hội các vị thần lại được rước về miếu để thờ phụng, toàn dân trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường với cuộc sống an vui và tấm lòng thành kính hai vị Thành hoàng làng.

BẢN ĐỒ

Quảng cáo

LIÊN KẾT